Những lễ hội ở Bắc Giang nổi tiếng nhất ai ai cũng biết
Bắc Giang, một tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ không chỉ có nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nơi đây còn những nổi tiếng với những lễ hội truyền thống chứa nhiều giá trị văn hóa.
Lễ hội Từ Hả, huyện Lục Ngạn
Lễ hội Từ Hả được tổ chức vào ngày mồng 7, 8 tháng giêng âm lịch hàng năm tại đền Từ Hả xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn. Ngoài nghi lễ tế Vũ Thành còn có diễn tích trận mạc tượng trưng cho chiến thắng do Vũ Thành chỉ huy. Vũ Thành là người có công giúp nhà Trần chống quân Mông- Nguyên vào thế kỷ XIII. Trong trận quyết chiến cuối cùng Vũ thành bị thương nặng về đến Hả Hộ thì mất tại đây năm 1288. Sau tế lễ là các trò hội như múa sư tử, hát soong hao, Sli, Lượn, Schắng côộ, Sịnh ca... của đồng bào các dân tộc ít người. Tất cả những nghi lễ, diễn xướng, trò hội ở lễ hội Từ Hả đều mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao trên đất Bắc Giang.
Hội đình Thổ Hà, huyện Việt Yên Thổ Hà là một trong ba thôn của xã Vân Hà- nơi có không gian văn hoá đậm đặc của toàn vùng Kinh Bắc. Lễ hội Thổ Hà được tổ chức trong 2 ngày 21, 22 tháng giêng âm lịch hàng năm. Cùng với việc tế lễ ở đình, ở chùa Đoan Minh, lễ hội còn tổ chức rước kiệu, các trò vui chơ giải trí: bơi chải, chèo thuyềt bắt vịt, buổi tối có diễn Tuồng cổ, hát Quan họ,...
Lễ hội đền Dành, huyện Tân Yên Đền Dành toạ lạc trên đỉnh núi Dành, đền có từ thời Lê, trải qua nhiều lần trùng tu xây dựng, đền có dáng vẻ như ngày nay. Tại đây thờ đức thánh Cao Sơn- Quý Minh, những người có công giúp vua Hùng Vương thứ 18 đánh giặc giữ nước. Lễ hội đền Dành được tổ chức vào ngày 19, 20 tháng giêng hàng năm. Nét đặc sắc của lễ hội đền Dành là phần rước thánh hùng tráng từ đình Vường lên đền Dành và ngược lại, cùng nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn: cây đu, đập niêu, kéo co, cờ thẻ, vật, chọi gà,... du khách có thể vừa xem hội vừa tham gia các trò chơi.
Hội đình Vồng, huyện Tân Yên Đình Vồng thờ đức thánh Cao Sơn- Quý Minh và 18 vị quận công thời Mạc là người địa phương thuộc dòng họ Dương. Lê hội đình Vồng được tổ chức hàng năm vào ngày 15, 16 tháng giêng âm lịch hàng năm. Đến đây trong ngày hội, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cuộc rước hoành tráng, trang nghiêm, xem lễ tế ngựa cùng bài văn tế đặc sắc, mà còn có thể tham gia thi đấu các môn thể thao và các trò chơi dân gian vui nhộn: vật, múa võ, đua ngựa, bắn cung nỏ, đu, chọi gà, đánh cờ, đánh phết, thi thả diều, thi chạy chữ,...
Lễ hội Y Sơn, huyện Hiệp Hoà Hội đền Y Sơn hay còn gọi là IA được tổ chức vào ba ngày 15, 16, 17 tháng giêng âm lịch hàng năm tại đền Y Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hoà. Nơi đây thờ đức thánh Hùng Linh Công- người có công giúp vua Hùng dẹp giặc Ân, mang lại bình yên cho đất nước. Trong lễ hội, ngoài những cuộc tế lễ, dẫn rước theo nghi thức cổ truyền độc đáo, hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, bịt mắt bắt dê, nhảy phỗng, đánh cờ người, diễn tuồng, hát chèo và nhiều trò chơi khác hấp dẫn du khách thập phương.
Hội Suối Mỡ, huyện Lục Nam Đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được xây dựng từ thời nhà Lê (thế kỷ 16-17), phụng thờ công chúa Quế Mỵ Nương con gái vua Hùng Định Vương, bà được phong là Thượng Ngàn Thánh Mẫu vì có công khai khẩn vùng đất này. Hàng năm để tưởng nhớ công ơn bà, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội đền Suối Mỡ vào hai ngày 30/3 và mùng 1/4 âm lịch. Vào ngày chính hội 1/4, ngoài cuộc rước đông vui nhộn nhịp, tại đền Hạ dân làng còn mở các trò vui, các môn thể thao dân tộc như vật, cờ bỏi, đu, chọi gà, bắn cung, võ dân tộc, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, ... trong đó bắn cung và võ dân tộc do người bản địa biểu diễn. Tối đến lại có hát chầu văn làm cho cuộc vui hội tưng bừng cả đêm.
Hội Tiên Lục, huyện Lạng Giang Hàng năm, cứ đến mùng 9 tháng giêng âm lịch, nhân dân Tiên Lục- Lạng Giang lại mở hội vui xuân. Hội Tiên Lục diễn ra chủ yếu ở khu vực đình Viễn Sơn, đình Thuận Hoà và chùa Phúc Quang tạo không gian rộng lớn cho lễ hội. Đến hội Tiên Lục trong cảnh sắc mùa xuân, núi đồi xanh thắm nên thơ bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi hình ảnh cây Dã Hương ngàn năm tuổi bên mái đình Viễn Sơn (còn gọi là đình Cây Dã) vẫn sừng sững theo năm tháng. Vào ngày hội, không những nhân dân trong vùng, du khách thập phương, mà con cháu của địa phương đi làm ăn xa từ khắp các nơi cũng về trảy hội tạo nên không khí vô cùng náo nhiệt. Sau khi cuộc rước đông vui là lễ tế thánh Cao Sơn uy nghiêm- người được thờ ở đây, tiếp đến là hàng loạt các trò vui được tổ chức như cuộc thi cướp cầu, thi kéo chữ, đánh đu, kéo co, vật, chọi gà,... và thi cỗ , dự cỗ hương ẩm gồm các món xôi, thịt lợn, lòng lợn, rau, sắn nấu, củ mỡ nấu xương, canh,... thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Hội chùa Bổ, huyện Việt Yên Chùa Bổ Đà xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên là một trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Bắc Giang, vốn thuộc dòng Lâm Tế, sau thuộc Thiền phái Trúc Lâm hay Trúc Lâm tam tổ. Lễ hội chính được tổ chức vào ngày 17, 18 tháng hai âm lịch, là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ. Trên sân chùa, các đoàn hát, gánh hát biểu diễn liên tục suốt mấy ngày đêm. Rồi những cảnh hát quan họ, cảnh mời trầu, mời nước của các liền anh, liền chị làm cho ngày hội thêm nhộn nhịp, tươi vui. Cùng với những cuộc tế lễ trang nghiêm, thành kính, ở hội chùa Bổ còn có một số trò chơi dân tộc như đấu vật, chọi gà, cướp cầu, đu,... làm cho không khí thêm sống động.
Hội chùa La, huyện Yên Dũng
Chùa Đức La là một trung tâm, một chốn tổ quan trọng nơi ba vị “Trúc Lâm tam tổ” từng trụ trì và mở trường thuyết pháp, bởi vậy trong chùa cũng có tượng thờ của ba vị tổ này. Lễ hội chùa La được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm. Các sư gọi ngày này là lễ giỗ tổ. Trong ngày hội, các tăng ni ở chùa thắp hương, tụng kinh, niệm Phật ở Tam Bảo, nhà tổ đệ nhất và nhà tổ đệ nhị. Đồng thời cũng tỉnh chuông Hoằng Dương Phật Pháp vào lúc sớm, tối trong ngày.
Lễ hội Xương Giang, thành phố Bắc Giang Lễ hội Xương Giang bắt đầu mở ra trên đất Bắc Giang vào năm 1998 và được duy trì liên tục từ đó đến nay. Đây là lễ hội được xây dựng nhằm tái hiện chiến thắng Chi Lăng- Xương Giang năm 1427 của quân dân Đại Việt chống lại và đập tan gần 10 vạn quân xâm lược Minh . Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 6, 7 tháng giêng âm lịch hàng năm tại khu vực tượng đài xã Xương Giang- được xây dựng nền thành Xương Giang xưa thuộc thành phố Bắc Giang. Trong ngày chính hội mùng 6 tháng giêng, cùng với cuộc rước hoành tráng là lễ dâng hương được tổ chức long trọng. Các lễ chào cờ, đọc diễn văn, đọc “Đại Cáo Bình Ngô”, lễ múa ra quân được tiến hành trang nghiêm trong nhạc hiệu trầm hùng và thúc giục lòng người. Ngay sau đó hàng loạt các trò chơi dân gian được tổ chức: cờ người, vật, bóng đá, chọi gà, đu,... và các hoạt động văn nghệ hát chèo, tuồng, giao lưu văn nghệ diễn ra đến hết hội.
Lễ hội Yên Thế, huyện Yên Thế Lễ hội được tổ chức vào ngày 16/3 dương lịch hàng năm. Lễ hội bắt đầu là bài diễn văn khai hội, tiếp theo là lễ diễu hành biểu dương sức mạnh, các trò diễn, đóng vai Hoàng Hoa Thám và các đoàn quân của ông... khơi lại một thời lịch sử hào hùng của ông cha ta. Ngay sau lễ diễu hành, các trò vui lần lượt được tổ chức ở nhiều địa điểm: vật, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đu,... hay thi cắm trại của học sinh các trường bên sườn đồi đối diện,... cứ như thế, nơi nào trong khu vực lễ hội cũng chật kín người xem và tham dự. Lễ hội ở Bắc Giang nói riêng hay lễ hội ở khắp các vùng miền trong cả nước nói chung là một dịp để mọi người gặp gỡ, trao đổi, thăm hỏi, giao duyên.