0
Giỏ hàng của bạn chưa có sản phẩm nào!

Tháp Bà Ponagar Nha Trang - Công trình kiến trúc cổ hoàn mỹ của người Chăm

Đối với những ai thích xê dịch hẳn không còn xa lạ gì với Tháp Bà Ponagar. Đến với Nha Trang không chỉ đến với cát trắng, biển xanh, nắng vàng mà còn đến để được ngắm nhìn vẻ cổ kính của tháp ngàn năm tuổi mang đậm nét văn hóa của người Chăm này. Với ý nghĩa lịch sử, tâm linh lớn lao cùng kiến trúc độc đáo đã khiến Tháp Bà Ponagar trở thành công trình kiến trúc cổ hoàn mỹ bậc nhất của một nền văn hóa Chămpa.

Vị trí tọa lạc

Tháp Bà Ponagar hay còn gọi là Tháp Po Inư Nagar nơi tôn thờ mẹ nữ thần xứ sở Po Ina Nagar của dân tộc Chăm, đứng sừng sững trên ngọn đồi cao sát biển thuộc dãy núi Cù Lao, cách trung tâm thành phố Nha Trang 2km.

Kiến trúc xây dựng

Vốn là khu đền thờ tượng vị nữ thần hộ quốc quan trọng của vương quốc Chăm pa xưa, Tháp Bà Ponagar được xây dựng với tổng thể kiến trúc gồm 3 tầng. Trải qua hàng ngàn năm thăng trầm của vương quốc Chăm-pa, tầng giữa nay chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác và 12 cột nhỏ, tầng trên còn lại 4 ngôi tháp.

Tất cả các tháp đều được xây dựng theo kiểu kiến trúc của những người Chăm cổ. Trên thân tháp tạc rất nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, chúng ta có thể thấy được đó là hình Po Nagar, thần Tenexa, tiên nữ…ngoài ra còn có hình các con thú như nai, ngỗng vàng hay sư tử,.. Tháp chính cao khoảng 23m là tháp Po Nagar, nơi thờ nữ thần Parvati, vợ của thần Shiva.  

Lễ hội Tháp Bà và những nghi thức tâm linh

Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà còn là cơ sở tín ngưỡng của cả người Việt lẫn người Chăm. Nét độc đáo trong tín ngưỡng của người Chăm có nét tương đồng trong văn hóa người Việt. Đó là tín ngưỡng thờ Mẹ hay còn gọi là thờ Mẫu. Chính vì vậy, lễ hội vía Bà diễn ra từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày hội không chỉ của người dân Khánh Hòa mà của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Có vẻ như  câu nói “ Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” của ông bà ta ngày xưa một phần bắt nguồn từ đây.

Khi đến đây vào những ngày diễn ra lễ hội vía Bà du khách sẽ được tham gia rất nhiều nghi thức độc đáo cùng với người dân. Những nghi lễ này đều có từ rất lâu rồi, tất cả đều được người Chăm và người Việt cùng nhau giữ gìn cho đến tận bây giờ. Đây là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Hàng năm lễ hội vía Bà đều được tổ chức rất lớn để con cháu không quên những lễ nghi truyền thống của ông bà xưa cũng như là để những người dân ở nơi khác biết đến những phong tục đáng tự hào này.

Lễ thay y

Được diễn ra vào đúng giờ Ngọ ngày 20 tháng 3 âm lịch. Sau khi nghi thức tắm, tượng Mẹ sẽ được thay đổi xiêm y, mũ miện mới do người dân dâng cúng. Người dân tin rằng, nước và khăn tắm Mẹ nếu xin được sẽ đem lại rất nhiều phước đức. Họ thường lấy nước này để tắm cho em bé hay tưới lên thuyền để mong sao em bé mau lớn khỏe mạnh, thuyền ra khơi gặp nhiều may mắn.

Lễ thả hoa đăng

Bạn sẽ được cùng những người dân địa phương thả hoa đăng trên sông nhằm cầu siêu cho các vong linh vẫn chưa được siêu thoát với số lượng hoa đăng hàng năm lên đến mười ngàn chiếc.

Lễ Khai Diên,  lễ Tôn Vương

Khi tham gia lễ này bạn sẽ biết đươc phong tục cúng bái Mẹ của người dân đồng thời được xem những tích tuồng cổ do đoàn hát Bội thể hiện. Chắc hẳn những ai mê hát tuồng sẽ thích lắm đây.

Lễ Dâng hương tạ Mẫu

Các bạn sẽ được mang lễ vào tạ Mẫu để cầu xin phước lành, làm ăn thuận lợi, sức khỏe dồi dào,… sau đó sẽ được xem múa bóng, hát văn, rước lễ – đây là phong tục không thể thiếu trong mùa lễ Bà. Còn rất nhiều những lễ khác trong hội vía Bà như: Lễ tết cổ truyền, lễ cúng Ngọ, lễ thí thực, lễ cầu quốc thái dân an,… Khi đến thăm Nha Trang vào đúng mùa lễ hội, bạn sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội xuyên suốt từ ngày 20 -23 tháng 3 âm lịch. Bạn sẽ hiểu hơn rất nhiều về phong tục của người Chăm khi được tham gia vào các nghi thức trong ngày lễ.

Khu di tích tháp Bà Ponagar chính là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của quá trình giao lưu Việt-Chăm trong lịch sử. Là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, nơi tạo nên yếu tố kết nối các dân tộc với nhau trên đất nước Việt Nam hôm nay và cũng là địa điểm du khách thường lui tới mỗi khi du lịch Nha Tranh Khánh Hòa. Thông qua lễ hội là một dịp để du khách trong và ngoài nước, những nhà nghiên cứu hiểu thêm về lịch sử, về những nét đẹp văn hóa truyền thống của con người và mảnh đất dễ mến nơi đây.