Người ta đến Đà Lạt để ngắm những ngôi nhà nhỏ hiền hoà, vườn cây và hoa xanh mát, thông reo vi vu hai bên dốc uốn lượn, sáng sáng chiều chiều lại lảng bảng sương mỏng nhưng nếu được nhấm nháp món gì đó nóng ấm trong se se các đầu ngón tay, hơi thở phà rõ trước mặt thì chắc hẳn chuyến du ngoạn này sẽ trọn vẹn hơn bao giờ hết. Bánh căn Đà Lạt là một trong những món ăn như thế. Đến Đà Lạt vào những ngày mưa, thưởng thức món bánh căn với hương vị rất thanh đạm và thơm ngon lạ lùng sẽ là trải nghiệm bình yên khó quên nơi mảnh đấy cao nguyên này.

Bánh căn – 1 phần ẩm thực tinh tế của mảnh đất ngàn hoa
Bánh căn là món ăn của người Chăm ở Ninh Thuận, là “linh hồn” của ẩm thực Ninh Thuận mà bất kỳ lữ khách nào cũng phải thử một lần khi đặt chân đến đây. Thế nhưng, qua một thời gian được đưa vào Đà Lạt, bánh căn đã được nhanh chóng thay đổi để hợp với khẩu vị của người dân nơi cao nguyên và những lữ khách ghé thăm, dần dần trở thành món ăn quen thuộc, 1 phần ẩm thực tinh tế của mảnh đất ngàn hoa không lẫn vào đâu được.

Bánh căn, món ăn dân dã không cầu kỳ nhưng chứa đựng sự tinh tế, sự cần mẫn, hiền hòa của con người Đà Lạt. Chỉ với nguyên liệu là bột gạo thân quen và gần gũi nhưng cũng đủ sức để người Đà Lạt làm nên món bánh căn ngon trứ danh, khiến mọi lữ khách khó lòng bỏ qua khi đến mảnh đất cao nguyên này.

Từ nguyên liệu gạo đơn giản, để có được những chiếc bánh căn thơm giòn, người chế biến phải chú tâm vào khâu pha chế. Bánh căn ngon phải dùng loại gạo hạt tròn, loại gạo địa phương mà phải là gạo cũ càng tốt. Gạo được ngâm trong nước rồi mang đi xay mịn cùng cơm khô, đây chính là bí quyết để bánh được giòn. Đặc biệt, khi pha bột, chú ý không được pha loãng quá, cũng không nên đặc quá sẽ làm bánh bị khê trước khi chín, mất đi hương vị thơm ngon.

Khi lửa than đã hồng và các khuôn bánh nóng lên, người làm bánh đổ bột vào, tiếp đến cho trứng đã được đập thật đều tay rồi đưa vào giữa khuôn, màu vàng của trứng làm nên sự hấp dẫn trên nền bột bánh trắng phau.

Điều làm nên hương vị thơm ngon của món ăn phải kể đến là nước chấm. Nước chấm là nước mắm pha với mỡ hành và không thể thiếu vị cay của ớt hoặc sa tế. Nhiều nơi còn cho thêm viên xíu mại béo lừ vào chén nước chấm tạo sự khác lạ níu chân thực khách.

Thưởng thức bánh căn bên lò than ấm nóng giữa Đà Lạt se lạnh
Cái thú vui khi thưởng thức món bánh căn Đà Lạt chính là chỗ ngồi bên chiếc lò đúc. Đà Lạt ngày mưa, tiết trời se se lạnh, ngồi hít hà bên lò bánh nóng, những chiếc bánh vừa chín tới, bánh có màu vàng cháy xém, mùi thơm nức sẽ là một trải nghiệm hiếm ở đâu có được.

Màu trắng của bánh thêm màu xanh của hành lá xắt nhuyễn, màu đỏ của ớt, vị chua của xoài, chanh, rồi tất cả loại mắm cho chung vào đủ để cho vị giác của người ăn được kích thích đến tận cùng. Quả thật những mùi vị ấy khi hòa quyện vào cùng nhau luôn khiến người ta nhớ mãi.

Địa chỉ bánh căn ngon ở Đà Lạt
Chẳng khó gì để tìm thấy một quán bánh căn ở Đà Lạt. Những quán nhỏ ven đường cùng những lò than nghi ngút khói đã trở thành bản sắc ẩm thực của Đà Lạt. Thế nhưng, muốn ăn bánh căn ngon trứ danh ở Đà Lạt thì đừng bỏ qua những tiệm bánh dưới đây nhé!
1. Bánh căn số 7 Tăng Bạt Hổ
Nằm gần chợ Đà Lạt, cuối đường đi từ Tăng Bạt Hổ rẽ vào, quán có không gian nhỏ bé song không quá chật chội. Chỗ chế biến cũng liền kề với bàn ăn, vừa tạo cảm giác gần gũi giữa người làm và người thưởng thức, khách lại vừa có thể trực tiếp theo dõi quy trình cho ra đời một mẻ bánh căn mới lạ, thú vị như thế nào.
Bánh lấy từ lò mềm mại, có độ sánh trong đặc biệt, giòn tan ăn cùng với bát nước sốt cay xé nóng hôi hổi, dậy mùi hành hoa, hạt tiêu ẩn chứa trong đó hương vị thịt viên ngọt ngào, đậm đà.

2. Bánh căn đối diện số 62 Phan Đình Phùng
Bánh căn tại đây không quá khác biệt nhưng nước chấm pha cay hơn nhiều, có xíu mại ăn kèm, viên thịt to, tươi chắc, không dai, vị ngọt, thơm phức. Vì thế, bánh căn ở đây giá cao hơn nhiều, tầm 35k cho một phần bánh 5 cặp.

3. Bánh căn số 13 Nhà Chung
Vẫn chiếc bánh căn như ở Tăng Bạt Hổ hay Phan Đình Phùng nhưng bánh căn ở đây lại có sự sáng tạo, mới lạ hơn khi nước chấm có thể xoài xanh thái sợi, đậu phộng cùng hành phi. Tất cả làm nên hương vị bánh căn lạ miệng, hấp dẫn nhiều thực khách phương xa tìm đến.

Bánh căn Đà Lạt – món ăn dung dị thôi nhưng đủ nói lên tính cách của người Đà Lạt, ngọt ngào và quyến rũ. Và chắc chắn rằng, ai đã thưởng thức dù chỉ một lần sẽ không bao giờ quên món ngon bình dị này. Đừng bỏ lỡ khi ghé thăm Đà Lạt đấy nhé!
Tags:Đà Lạt
Leave a Reply